ĐỂ BÉ TRỞ THÀNH CÔNG DÂN TOÀN CẦU

ĐỂ BÉ TRỞ THÀNH CÔNG DÂN TOÀN CẦU

ĐỂ BÉ TRỞ THÀNH CÔNG DÂN TOÀN CẦU

Công dân Toàn cầu là một ý thức cấp tiến cho một thế hệ người trẻ mới, phá vỡ mọi rào cản địa lý, chính trị văn hoá cổ điển. Ở đó các vấn đề toàn cầu được phân tích, xử lý với một tinh thần cầu thị, hội nhập và tôn trọng lẫn nhau. Công dân Toàn cầu mang nhiều lợi ích cho từng cá nhân đến toàn thể cộng đồng trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Để trở thành Công dân Toàn cầu người trẻ cần một quá trình chuyển biến từ sớm từ kiến thức đến kỹ năng và đặc biệt là một thái độ phù hợp.

Thế nào là Công dân Toàn cầu

Trước khi đào sâu vào ý thức Công dân Toàn cầu, hãy nhìn lại những sự kiện gây chấn động trong xã hội loài người ví dụ như chiến tranh xâm lược, khủng bố… Các sự kiện này bắt nguồn từ sự tham lam, xung đột lợi ích và nhất là sự thiếu hiểu biết, thiếu cảm thông về nhau giữa những cá nhân, tổ chức người từ quy mô nhỏ như cá nhân đến nhóm người hay lớn hơn là các quốc gia hay các ý thức hệ.

Nói sâu hơn thì căn cơ của những mối nguy hại lớn như trên xuất phát từ tính địa dư của ý thức con người. Ví dụ, vì được sinh ra ở một quốc gia, người ta có xu hướng bảo vệ và tranh giành lợi ích cho đất nước này cho dù phải phớt lờ hoặc thậm chí tước đi lợi ích hợp pháp của nước khác.  Các lợi ích ở đây không chỉ là đất đai, lãnh thổ, mà còn có thể là các lợi ích kinh tế, chính trị hay hình ảnh quốc gia. Nhiều danh nhân tiếng thế giới hiện đại như Hồ Chí Minh, Mahatma Gandhi,  Martin Luther King đều là những người có tinh thần Quốc tế quảng đại.  Ý thức “Công dân Toàn cầu” là lời giải cho vấn đề vừa nêu.

 

Công dân Toàn cầu (Global citizenship)

Công dân Toàn cầu là ý thức cấp tiến mà theo đó con người định vị mình vượt ngoài các giới hạn địa dư, chính trị, theo đó các nghĩa vụ và quyền lợi của mình thuộc về một tập hợp lớn hơn là “nhân loại”(humanity). Khi đó, hầu như tất cả các rào cản ngăn cách con người với nhau như châu lục, khu vực, quốc gia, vùng miền, chủng tộc, tôn giáo, ý thức hệ hoàn toàn sụp đổ vì cùng là nhân loại với nhau (theo Ronald C. Israel, thành viên củaThe Global Citizens’ Initiative)[1].

Theo quỹ giáo dục Irish Aid thì Công dân Toàn cầu mang tính chuyển hoá, cho phép con người phân tích và đối mặt với những thử thách từ nguồn gốc cũng như những hậu quả của các vấn nạn toàn cầu như đói nghèo, bất bình đẳng, tạo nên sự chuyển hoá cấu trúc xã hội, văn hoá, chính trị và kinh tế, từ đó ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người [2].

Ngoài ra, theo tổ chức Oxfam- bao gồm 21 tổ chức thiện nguyện toàn cầu thì Công dân Toàn Cầu có triết lý là tất cả mọi người và cả thảy nhân loại nói chung đều có liên kết chặt chẽ với nhau [3].

Lợi ích của ý thức Công dân Toàn cầu

Tuy Công dân Toàn cầu không cho con người quyền cũng như điều kiện kinh tế để chu du đến tất cả 195 quốc gia trên Thế giới, song ý niệm này mang đến lợi ích cho cả cá nhân và cộng đồng trong ngắn hạn và dài hạn:

  • Lợi ích với cá nhân
    • Mở rộng phạm vi ( ít nhất là trong suy nghĩ) về phạm vi sinh sống, làm việc với nhiều khả năng lớn hơn ngoài vùng an toàn nơi được sinh ra;
    • Có sự thấu hiểu sâu sắc và chính xác hơn về các sự kiện xảy ra trên Thế Giới;
    • Định hình được những giá trị cốt lõi và mục tiêu ưu tiên trong cuộc đời của chính mình và tổ chức;
    • Đối mặt trực diên với sự thiếu hiểu biết và có khả năng bao dung để chấp nhận những sự khác biệt;
    • Phát triển, thảo luận, tham luận và có tiếng nói về các ý kiến cá nhân xung quanh các vấn đề chung;
    • Tăng cường cơ hội tiếp thu những kiến thức, kỹ năng mới;
    • Có nhiều lựa chọn tự do hơn trong cuộc sống trong cuộc sống, học tập và công việc;
    • Tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho mỗi cá nhân, nhất là những người có xuất phát điểm bất lợi hơn trong xã hội.
  • Lợi ích với cộng đồng:
    • Các vấn đề lớn, có sức ảnh hưởng được quan tâm rộng rãi hơn;
    • Các hoạt động quan trọng được giám sát bởi nhiều người, từ đó giúp giảm thiểu rủi ro;
    • Nhiều cá nhân cùng chung tay giải quyết những thử thách chung;
    • Dù ý thức Công dân Toàn cầu tồn tại ở những cá nhân đơn lẻ, nhưng khi được kết hợp đồng bộ thì có thể cộng hưởng để thành những bước chuyển hay phong trào lớn hơn trên phạm vi rộng rãi hơn;
    • Mọi người tham gia nhiều hơn vào các hoạt động ở địa phương, cộng đồng, quốc gia cũng như các hoạt động quốc tế. 
  • Lợi ích trước mắt: những quan điểm trong ý thức Công dân Toàn cầu có thể cho thấy hiệu quả ngay trước mắt, chẳng hạn như việc giảm rác thải, yêu thương trẻ em,...
  • Lợi ích lâu dài: bản thân các vấn đề hay được đặt ra liên quan đến Công dân Toàn cầu mang tính chất chiến lược lâu dài, chẳng hạn như bảo vệ rừng, chống biến đổi khí hậu... Do đó, ý thức Công dân Toàn cầu có lợi ích lâu dài hết sức đa dạng và mang tính bền vững nếu được thấm nhuần bở mỗi cá nhân.

Công dân Toàn cầu và sự thông minh

 

Như Stephen Hawking - một trong những bộ óc vĩ đại nhất của thế giới thời hiện đại từng nói “: "Thông minh là khả năng thích ứng với sự thay đổi”. Trong khi đó, ý thức Công dân Toàn cầu xem khả năng thích ứng là một trụ cột. Hiểu rộng ra thì ý thức này có thể giúp con người trở nên thông minh hơn nếu được đặt đúng hướng.

Các hiểu nhầm trong việc thực hành ý niệm Công dân Toàn cầu

Thoạt nghe, ý thức Công dân Toàn cầu có vẻ đơn giản nhưng việc thực hành ý thức này cần tránh những sai lầm sau đây:

  • Quan niệm Toàn Cầu hoá ý thức hệ: nhiều người xem Công dân Toàn cầu như một ý thức hệ với một hệ tư tưởng, thế giới quan áp dụng cho tất cả mọi người. Quan niệm này là không chính xác vì ý niệm này tôn trọng sự đa dạng và không có chủ trương thay thế toàn bộ các ý thức hệ hiện có bằng một ý thức hệ nào bởi một ý thức hệ khác, kể cả là chính mình. Ngoài ra khi tất cả mọi người có cùng ý thức, suy nghĩ thì sẽ không có sự khác biệt, điều này khiến cho khái niệm “Công dân Toàn cầu” không còn cần thiết nữa. 
  • Mai một bản sắc cá nhân, địa phương, dân tộc, quốc gia: trên thực tế, ý niệm Công dân Toàn cầu  không triệt tiêu các ý niệm mang tính cá nhân, dân tộc chẳng hạn như lòng tự trọng,  tự hào dân tộc, yêu nước. Ngược lại, trong chính môi trường lớn đa dạng, cá nhân được phép thể hiện đúng mức các bản sắc trên, miễn không gây phương hại đến cá nhân, địa phương, dân tộc, quốc gia khác.

Để người trẻ trở thành  Công dân Toàn cầu

 

Cũng theo tổ chức Oxfam thì các Công dân Toàn cầu cần có một sự chuyển hoá tích cực trong đó chú tâm vào phát triển kiến thức, kỹ năng và các giá trị cốt lõi gắn kết với cả thế giới. Quan trọng hơn là lòng tin rằng: cùng với nhau tất cả chúng ta có thể tạo nên những sự khác biệt mặc cho chúng tộc, màu da, giới hay trình độ mà mỗi người mang trong mình.

Để đạt được ý thức Công dân Toàn cầu, người trẻ cần một quá trình trau dồi những khía cạnh như hình sau:

Đầu tiên, người trẻ cần có đủ kiến thức chung về khoa học,  địa lý lịch sử , văn hóa, chính trị, kinh tế của chính nước mình và các nước bạn. Ngoài ra các thông tin thú vị cũng cần được biết đến để tăng sự hứng thú và đây cũng là ý tưởng mở đầu lý thú cho những hoạt động giao tiếp, thảo luận trên thực tế.

Tiếp đến, một khi kiến thức đã sẵn sàng thì các kỹ năng là cần thiết để biến kiến thức thành hành động cùng với nhau; trong đó, ngôn ngữ là kỹ năng tối cần thiết. Theo Berlitz vào năm 2023, Tiếng Anh và Tiếng Quan Thoại( Trung Quốc là hai ngôn ngữ được nói nhiều nhất Thế Giới với hơn 1 tỉ người sử dụng mỗi ngôn ngữ trên ở khắp thế giới.

Xuyên suốt quá trình sử dụng kỹ năng để vận dụng kiến thức nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu thì một thái độ tích cực sẽ đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của các nỗ lực nhằm hướng đến một sự thay đổi toàn cục.


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Israel, Ronald C. “What Does it Mean to be a Global Citizen?” KOMOS journal for global transformation, KOMOS journal for global transformation, 10 09 2018, https://www.kosmosjournal.org/article/what-does-it-mean-to-be-a-global-citizen/. Truy cập 24 12 2023.

[2] Irish Aid. “Global Citizenship Education Funding - Department of Foreign Affairs.” Irish Department of Foreign Affairs, Irish Department of Foreign Affairs, https://www.irishaid.ie/what-we-do/who-we-work-with/civil-society/global-citizenship-education-funding/. Truy cập 24 12 2023.

[3] Oxfam. “What is Global Citizenship?” Education resources | Oxfam GB, Oxfam, 1 12 2023, https://www.oxfam.org.uk/education/who-we-are/what-is-global-citizenship/. Truy cập 24 12 2024.



 

← Bài trước Bài sau →