Cột mốc phát triển quan trọng của trẻ lên 1
Cách con bạn chơi, học, nói, hành động và di chuyển là những dấu hiệu quan trọng phản ánh sự phát triển của bé. Các cột mốc phát triển là những hành vi hay kỹ năng mà hầu hết các bé (trên 75%) đều thực hiện được ở một độ tuổi nhất định.
Hầu hết các bé làm được gì ở độ tuổi này:
· Cột mốc xã hội/ tình cảm
- Chơi các trò chơi với mẹ như đập tay
- Thông qua điệu bộ và cử chỉ, trẻ có thể diễn đạt nhu cầu của mình cho người khác thấy
- Trẻ có thể khóc hoặc căng thẳng khi thấy bố mẹ đi ra chỗ khác hoặc có nhiều người lạ vây quanh trẻ.
· Cột mốc ngôn ngữ / giao tiếp
- Ở độ tuổi này, trẻ có thể hiểu những gì bạn nói và bắt chước những hành động đơn giản của bạn như vỗ tay, nhặt gấu bông, vẫy tay tạm biệt hay xin chào
- Biết gọi “ba”, “mẹ” hay tên gọi đặc biệt khác
- Hiểu ý nghĩa “không” (tạm dừng lại hoặc ngừng làm gì khi nghe mẹ nói “không”)
Cột mốc nhận biết
- Biết cất đồ vào hộp
- Biết đi tìm đồ vật mà bị giấu đi hoặc được mẹ yêu cầu, ví dụ: tìm đồ chơi được giấu ở dưới chăn
Cột mốc phát triển vận động / thể chất
- Trẻ có thể tự ngồi, tụ bám để đứng dậy, hoặc có thể tự bước đi khi đang cầm nắm một đồ vật khác. Trẻ có thể cầm hai đồ vật rồi gõ vào nhau, tự bốc đồ ăn và dùng cốc uống nước.
- Trẻ thích thú khi ném và xô ngã mọi thứ, thích chơi với những chiếc bình và xoong nồi bằng cách đặt cái nhỏ vào cái lớn, thích làm mọi người giật mình khi trẻ dùng các đồ vật rồi đập vào nhau tạo ra tiếng động lớn.
Những điều quan trọng cần chia sẻ với bác sĩ
- Bạn và con của bạn thường làm gì cùng nhau?
- Con bạn thích làm việc gì?
- Có điều gì mà bé làm hoặc không làm khiến bạn lo lắng?
- Con bạn có bị mất kỹ năng nào mà bé từng có không?
- Con của bạn có nhu cầu chăm sóc sức khỏe đặc biệt nào hay bé bị sinh non không?
· Lời khuyên và các hoạt động : Bạn có thể làm gì cho trẻ 12 tháng tuổi
Là người thầy đầu tiên của con, bố mẹ có thể giúp con học tập và phát triển não bộ. Trao đổi với bác sĩ và giáo viên của bé nếu bạn có thắc mắc hoặc muốn góp ý về cách giúp con bạn phát triển. Bạn cũng có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây để giúp cho con bạn ngày càng phát triển hơn:
- Dạy cho bé “cách cư xử”. Chỉ cho bé biết phải làm gì và dùng từ ngữ tích cực hoặc ôm và hôn con khi bé làm được điều đó. Ví dụ: nếu bé kéo đuôi của thú cưng, hãy dạy bé cách vuốt ve nhẹ nhàng thú cưng và ôm bé khi bé làm được điều đó.
- Nói hoặc hát với bé về việc bạn đang làm. Ví dụ: “Mẹ đang rửa tay cho con” hoặc hát “ Đây là cách chúng ta rửa sạch tay mình”
- Xây dựng câu chuyện từ những gì bé đang cố gắng muốn nói. Nếu bé nói “xa”, bạn nói “đúng rồi, xe” hoặc nếu bé nói “xe”, bạn nói “đúng rồi, đó là 1 chiếc xe lớn màu xanh dương”
- Hoặc có nhiều cách hơn nữa nhưng điều quan trọng nhất là ba mẹ hãy luôn đồng hành và bên cạnh con, thấu hiểu con.
Người dịch: Nguyễn Thị Ngà