Cùng con phát triển sáng tạo trong giai đoạn 3-6 tuổi
- Người viết: Smiley.vn lúc
- Bé 3-6 tuổi (Preschoolers)
Cùng con phát triển sáng tạo trong giai đoạn 3-6 tuổi
Những điều cần nhớ
Nuôi dưỡng óc sáng tạo và trí tưởng tượng rất quan trọng cho sự phát triển chung của trẻ mầm non.
Trẻ mẫu giáo rất giàu tưởng tượng. Chúng thường thích chơi các trò chơi nhập vai, thủ công, các trò liên quan đến nghệ thuật, và âm nhạc.
Ý tưởng kích thích sự sáng tạo ở trẻ bao gồm đọc sách, đi bộ ngoài trời, hộp bận rộn, hóa trang, múa rối và nhiều trò vui khác.
Tại sao sự sáng tạo lại quan trọng?
Những năm tháng mầm non là một trong những khoảng thời gian trẻ có óc sáng tạo phong phú nhất trong cả quá trình phát triển của trẻ. Ba mẹ đừng quên mốc thời gian này. Ở cạnh trẻ vào thời điểm này, giúp trẻ các hoạt động để con phát huy năng lực tưởng tượng của mình, các bạn nhỏ sẽ:
Tự tin hơn
Thể hiện cảm xúc và học cách giao tiếp xã hội
Phát triển và cải thiện các kỹ năng vận động phối hợp
Học đưa ra quyết định, giải quyết tình huống và tư duy phản biện
Khám phá các ý tưởng mới trong môi trường an toàn
Qua đó, trẻ có thể đạt được những kỹ năng quan trọng cho suốt những năm mầm non và kể cả khi trưởng thành.
Trẻ mẫu giáo đã phát triển trí tưởng tượng thế nào?
Từ khoảng 3 tuổi, trẻ sẽ thích chơi trò nhập vai thông qua sử dụng các con rối và hóa trang, kể cho ba mẹ nghe một câu chuyện chi tiết không có thật hoặc có một người bạn tưởng tượng. Trẻ cũng có thể thích đóng giả bác sĩ, hoặc phi hành gia.
Các bạn nhỏ sẽ vẽ, nguệch ngoạc, tô màu và dán bất kể lúc nào trẻ thích. Vào khoảng 4 tuổi, trẻ có thể vẽ một bức tranh chi tiết về nơi nào đó, hoặc về một vật hoặc một người mà trẻ tượng tượng ra.
Vào khoảng 5 tuổi, trẻ bắt đầu vẽ những hình thù phức tạp hơn – như kim cương, những hình tam giác và ngôi sao – thể hiện ý nghĩ thông qua vẽ. Trẻ bắt đầu dùng tác phẩm nghệ thuật để kể chuyện hoặc mô tả về vật gì mà trẻ thấy.
Hãy nhớ rằng trẻ ở tuổi này không phải lúc nào cũng phân biệt được đâu là thật và đâu là giả. Điều này có nghĩa rằng một con quái vật từ chuyện kể có thể trở nên đáng sợ đối với trẻ. Nếu trẻ gặp ác mộng, hãy an ủi trẻ rằng quái vật không có thật và không làm hại đến trẻ, trẻ luôn an toàn bên cạnh ba mẹ.
Bạn sẽ thấy trẻ biểu hiện óc tưởng tượng và những ý tưởng của bản thân thông qua nhiều hình thức sáng tạo.
Những ý tưởng về các hoạt động sáng tạo cho trẻ mầm non
Lùi lại khi chơi cùng trẻ, cho trẻ tự quyết định trẻ muốn chơi cái gì và chơi như thế nào. Nhưng hãy nhớ rằng trẻ vẫn cần bạn động viên và giúp đỡ trẻ khi chúng gặp khó khăn hoặc cảm thấy quá sức.
Sau đây là một số ý tưởng khuyến khích mở rộng trí tưởng tượng cho trẻ
Kể chuyện và đọc sách. Trẻ sẽ thích tạo nhiều kết thúc mới cho các câu chuyện giống nhau. Hãy thử tạo vần điệu và các câu đố ngớ ngẩn. Trẻ mẫu giáo đặc biệt thích trò chơi câu chữ và tự sáng tạo ra những giai điệu và câu chuyện cười.
Đi bộ ngoài công viên hoặc chơi ngoài trời trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. Đây là cách đơn giản, rẻ tiền cho trẻ trải nghiệm nhiều môi trường mới khác nhau.
Dành thời gian chơi ngoài trời và để trẻ tự do khám phá trong không gian an toàn.
Cho trẻ tham gia giúp đỡ việc nhà. Trẻ có thể đóng vai là một người hầu bàn sắp xếp bàn ăn. Hoặc trẻ có thể giả vờ là đầu bếp và thực hiện một số công việc nấu ăn đơn giản.
Tạo một sân chơi đặc biệt trong nhà bạn. Những hộp cạc tông lớn, vải bọc ghế, nhiều loại đồ chơi như hình khối và banh có thể tạo ra vô vàn các kiểu chơi sáng tạo cho trẻ.
Dành thời gian để nghỉ ngơi và mơ mộng. Cùng nằm ngắm nhìn bầu trời với những đám mây và tưởng tượng nhiều hình thù với trẻ.
Ba mẹ có thể giúp con tự tạo ra các hoạt động sáng tạo đơn giản ngay tại nhà ví dụ như:
Cho trẻ tha hồ vẽ và nguệch ngoạc với bút màu. Bạn có thể cùng trẻ tạo ra một bản đồ đơn giản cho khu phố hoặc đường đi đến nhà một người bạn.
“Hộp bận rộn, chứa những thứ như que băng, giấy màu, dây, keo dán và các đồ tái chế khác như hộp các tông và chai nhựa. Nó cũng có thể bao gồm các vật phẩm tự nhiên như cành cây, cánh hoa, đá hoặc lông vũ. Đây là những công cụ tuyệt vời cho các dự án thủ công.
Thu thập đồ cũ cho hóa trang. Những vật dụng cũ như quần áo, giày dép, áo len, ủng, túi xách và những thứ khác cho trò chơi hóa trang.
Thiết lập một khu vui chơi lộn xộn với cát, đất sét, bột nặn, sơn, nước hoặc bùn. Bạn cũng có thể thực hiện một chuyến đi đến bãi biển, dòng sông để chơi với cát và đất sét.
Giữ các tạp chí và danh mục cũ. Con bạn có thể cắt các hình ảnh về người, động vật và đồ vật để sử dụng chúng để cắt dán.
Chơi múa rối với con bạn. Tất cả những gì ba mẹ cần để bắt đầu là một chiếc vớ hoặc thậm chí chỉ là một chiếc túi giấy!
Nghe nhạc hoặc làm nhạc cụ từ những vật dụng hàng ngày như hộp sữa rỗng chứa đầy gạo hoặc đá cuội, hoặc dây cao su căng trên hộp đã mở. Biến âm nhạc thành một phần trong các hoạt động khác của trẻ - ví dụ, cùng hát hò trong khi đang vẽ.
Thiết bị điện tử góp phần trong các hoạt động sáng tạo
Các thiết bị điện tử có một vài tác động xấu tới trẻ, nên hãy giới hạn thời gian sáng tạo cùng con với các thiết bị này. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số có thể kích thích trí tưởng tượng và gợi ý các trò chơi cho con bạn.
Ví dụ, vẽ trên màn hình có thể giúp con tăng sử dụng nhiều loại hình dạng và màu sắc khác nhau để sáng tạo. Hoặc con bạn có thể học hỏi những ý tưởng mới mẻ từ việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số – chẳng hạn như từ việc xem một chương trình truyền hình chất lượng cao như Play School.
Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để giúp con bạn tận dụng tối đa thời gian sử dụng thiết bị và công nghệ kỹ thuật số:
Chọn các ứng dụng, trò chơi và phương tiện chất lượng tốt.
Chia sẻ thời gian sử dụng thiết bị và công nghệ kỹ thuật số giữa ba mẹ và con cái.
Quản lý thời gian trên màn hình và sử dụng thiết bị điện tử.
Và hãy nhớ rằng – thời gian trên màn hình và việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số nên được cân bằng. Thực hiện nhiều hoạt động khác nhau sẽ tốt cho sự phát triển của con bạn, bao gồm chơi thể chất, chơi giả vờ và sáng tạo, chơi xã hội và đọc sách, cũng như chơi kỹ thuật số.
Nói chung, các cột mốc quan trọng diễn ra theo trình tự, nhưng độ tuổi xảy ra có thể khác nhau đối với mỗi đứa trẻ. Nếu bạn lo lắng về bất kỳ vấn đề nào trong quá trình phát triển của con mình, bạn nên nói chuyện bác sĩ hoặc giáo viên mầm non của trẻ.