Điều Tiết Việc Tiếp Xúc Các Sản Phẩm Công Nghệ Ở Trẻ

Điều Tiết Việc Tiếp Xúc Các Sản Phẩm Công Nghệ Ở Trẻ

Các sản phẩm công nghệ là một phần thiết yếu trong cuộc sống hiện đại. Ba mẹ dùng các sản phẩm công nghệ cho công việc, nâng cao kiến thức và ngay giây phút này đây bạn cũng đang đọc bài viết này trên một màn hình máy tính, điện thoại hay một sản phẩm công nghệ nào đó. Song các sản phẩm công nghệ sẽ tác động thế nào đến bé và liệu chúng có nguy hiểm gì cho việc ba mẹ nuôi dạy con không? Đây là một câu hỏi với nhiều ý kiến trái chiều. Trong bài này, chung ta sẽ cùng tìm câu trả lời dưới góc nhìn khoa học hơn là những lời đồn hay kinh nghiệm mà các ba mẹ vẫn hay rỉ tai nhau.

Sản phẩm công nghệ là gì?

Trên định nghĩa tổng quan thì công nghệ là việc ứng dụng kiến thức, kỹ thuật để cải tiến hiệu quả,chất lượng sản xuất. Trong chính cuộc sống của chúng ta, có thể hiểu công nghệ là việc ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống nói chung. Một giải pháp công nghệ không nhất thiết phải quá kỳ diệu, đó có thể chỉ là chiếc quạt điện bạn dùng hàng ngày thay cho chiếc quạt nan mà ông bà đã quạt mát cho ta nhiều thập kỷ trước. Phức tạp hơn, chiếc máy tính xách tay, điện thoại thông minh của bạn chính là những đại  diện phổ biến nhất của sản phẩm công nghệ.

Nghịch lý hạn chế chế tiếp xúc cảm xúc sản phẩm công nghệ

Các sản phẩm công nghệ vượt bậc đa phần được phát minh ở các nước phát triển. Song có một nghịch lý là chính các bậc cha mẹ - những người đã sản sinh ra các sản phẩm này lại hết sức thận trọng trong việc để cho con họ tiếp xúc. Ví dụ, nhà sáng lập Apple Steve Jobs đã đặt ra các giới hạn cứng cho con trong việc sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay. Tương tự, Sundar Pichai, giám đốc điều hành của Alphabet, công ty mẹ của Google cũng đặt ra những hạn chế khắt khe cho con mình trong việc sử dụng các sản phẩm công nghệ tại nhà.

Ngoài ra danh sách (dài) các ông bố bà mẹ kiểm soát chặt chẽ việc con dùng sản phẩm công nghệ còn có Susan Wojcicki (Giám đốc điều hành Youtube), Alexis Ohanian (Nhà sáng lập Reddit), Bill Gates ( Nhà sáng lập Microsoft),...

Hình: Bé sử dụng tablet với những trò chơi của mình

Tuy rằng các tên tuổi lớn không cấm hoàn toàn con dùng sản phẩm công nghệ, nhưng thường họ có điểm chung là “giới hạn” nghiêm ngặt (gần như là cấm hoàn toàn)việc dùng sản phẩm công nghệ ngay trên bàn ăn hay khi sinh hoạt gia đình.

Ngoài những tên tuổi mang tính cá nhân như trên, Montessori - một trường phái giáo dục trẻ nhỏ rất thịnh hành hiện nay về cơ bản rất hạn chế việc sử dụng công nghệ vào giảng dạy. Với sự phát triển không thể chối cãi của công nghệ, các trường học Montessori đang cố gắng cân bằng việc sử dụng công nghệ, với một số nguyên lý sau[4]:

  • Giới hạn thời gian bé nhìn màn hình;
  • Sản phẩm công nghệ là để bổ sung, phụ trợ, không phải giải pháp thay thế cho các tương tác chủ công, trực tiếp;
  • Tìm kiếm cách thức cân bằng giữa các tương tác có sử dụng công nghệ và thủ công. Ví dụ như trò chơi tìm điểm khác nhau giữa 2 hình thì Thầy Cô có thể cho bé chơi với ảnh hiển thị trên màn hình và các ảnh được in trực tiếp ra giấy.

Nguy cơ của sản phẩm công nghệ đến trẻ nhỏ

Yếu tố vật lý ảnh hưởng tới trẻ

Sóng điện từ:

Sóng điện từ (electromagnetic wave) và trường điện từ (electromagnetic field) có mặt ở gần như mọi nơi trong môi trường sống của chúng ta; từ dạng có thể nhìn thấy như ánh sáng đèn đến dạng không thể nhìn thấy như sóng vô tuyến radio hay tia hồng ngoại từ mặt trời. Tùy vào bản chất của sóng điện từ mà chúng có những ảnh hưởng sức khoẻ khác nhau. Nhìn chung, các loại có bước sóng ngắn như tia X, tia gamma có thể gây ra nhiều hậu quả lâu dài như ung thư và thậm chí gây ra đột biến di truyền; trong khi các sóng có bước sóng tầm trung và dài mà người ta sử dụng trong Wi-Fi, vô tuyến, điện thoại dễ mang đến hậu quả cấp tính. Hình 1 cho thấy bước sóng của một số loại sóng điện từ phổ biến trong môi trường hiện nay. Các sóng ngắn (từ chất phóng xạ, máy chụp X-quang, MRI) sở dĩ nguy hiểm chủ yếu là vì khả năng ion hoá. Các sóng dài từ phần lớn các thiết bị điện tử như tivi, radio, lò vi sóng ít gây ion hoá[5] nên nhìn chung ít nguy hiểm hơn.

Hình. Bức sóng của một số loại sóng điện từ phổ biến

Các nghiên cứu [5] cũng chỉ ra các lý do sau khiến bé dễ bị tổn thương do sóng điện từ:

  • Trẻ em nhìn chung phải tiếp xúc với sóng điện từ lâu ngày dài tháng hơn người lớn;
  • Hệ thần kinh của bé vẫn đang trong quá trình phát triển;
  • Cơ thể bé có khả năng dẫn điện cao hơn người lớn do có độ ẩm cao và nhiều chất liệu ion;
  • Đầu của bé hấp thụ năng lượng từ sóng điện từ nhiều hơn người lớn.

Một số ba mẹ do đặc thù công việc khiến môi trường có mật độ sóng điện từ cao, (chẳng hạn như phòng chụp X-quang, đài phát sóng vô tuyến, ra đa, hàn hồ quang điện) không nên mang con đến nơi làm việc nhằm tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ của con. 

Một số thiết bị tưởng chừng như vô hại, song có thể gây hại nếu bé phải tiếp xúc lâu mặc lặp lại nhiều lần. Ví dụ như trong chiết điều khiển từ xa mà chúng ta vẫn dùng cho tivi, máy lạnh phát ra sóng  hồng ngoại (Infrared wave) vốn được phân loại rất gần các loại sóng điện từ có khả năng gây ion hoá (xem Hình 1). Do vậy, ba mẹ cần tránh để bé chỉ trỏ các thiết bị điều khiển từ xa vào mắt và bấm nút điều khiển. 

Ánh sáng xung kích

Ánh sáng màn hình ví dụ như máy tính, điện thoại tuy rằng cường độ có thể không quá lớn, song việc sử dụng trong điều kiện phòng tối và có sự thay đổi thường xuyên (tiêu cự, màu sắc, độ sáng rõ ràng tạo nên tính xung kích đối với đôi mắt non nớt của bé. Đặc biệt là các màn hình Cathode Ray Tube (CRT) bản chất bắn một tia điện tử (electron) từ phía sau lên màn hình hùynh quang. Do vậy khó có thể bảo đảm không có một tia điện tử nào đi trực tiếp tới mắt bé, vốn hiển nhiên là vô cùng nguy hiểm. Việc bé dán mắt vào màn hình quá lâu có thể liên quan đến các tình trạng sau[1]:

  • Tăng thời gian tĩnh tại, ăn quá nhiều, béo phì: do bé ít vận động, đặc biệt là ít có hoạt động ngoài trời;
  • Căng cơ vai và cổ do phải giữ đầu bé ngẩng cao thời gian dài;
  • Bất thường trong giấc ngủ: việc lạm dụng nhìn vào màn hình làm giảm hiệu quả giấc ngủ. Nguyên nhân dễ thấy nhất là bé dành ít thời gian hơn để ngủ, đồng thời giấc ngủ có thể bị gián đoạn khi bé tưởng tượng lại một số nội dung mà mình nhìn thấy qua màn hình.
  • Suy giảm sức khỏe tâm thần: việc sử dụng màn hình 2-3 giờ/ngày có liên hệ với tình trạng trầm cảm trầm trọng và sự lo âu, cáu bẳn khi bé không thể dùng thiết bị (như điện thoại, máy tính) do thiết bị không có sẵn hoặc bận làm những hoạt động khác.
  • Tăng cảm giác căng thẳng, giảm năng lực học hành.
  • Suy giảm năng lực tập trung, biểu hiện lạ về tình cảm, giao tiếp xã hội, thậm chí là gia tăng xu hướng bạo lực[2].

Rò rỉ hóa chất

Nhiều thiết bị công nghệ, đặc biệt là các thiết bị lâu năm, nứt vỡ có thể giải phóng dioxin, halogen, kim loại nặng (như thủy ngân, cadmium) cùng nhiều hoá chất độc hại khác. Các hoá chất này có thể gây hại ở nhiều mức độ từ gây bỏng rát đến tổn thương đa tạng biến đổi ADN hay thậm chí gây ung  thư. Đặc biệt hơn, với tính hiếu kỳ khám phá thế giới, bé có xu hướng xúc chạm, cho các đồ vật vào mồm trong khi các sản phẩm công nghệ thường có rất nhiều linh kiện nhỏ; cho nên nếu vỡ ra mà bé cho vào mồm thì hiển nhiên là rất nguy hiểm.

Góc cạnh và tình huống va chạm

Phần lớn các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ hướng đến người dùng lớn và có khả năng tự bảo vệ. Do đó, các sản phẩm công nghệ có thể có nhiều góc cạnh nếu bé ngã phải sẽ rất nguy hiểm, ví dụ như ăng-ten của các thiết bị thu phát sóng Wi-Fi.

Yếu tố tâm lý

Tính gây nghiện và phụ thuộc: Một số nội dung liên quan đến các sản phẩm công nghệ (như Youtube,Facebook, trò chơi) được thiết kế có chủ đích để kéo dài thời gian sử dụng của người dùng. Cơ chế của điều này đến từ cơ chế tâm lý  tinh vi và các giải thuật máy học phức tạp. Trong thời hiện đại một số nỗi lo âu được biết đến liên quan trực tiếp đến việc không được dùng một số loại thiết bị công nghệ nhất định. Ví dụ như Nomophobia có biểu hiện là sự lo âu, bất an khi phải tách rời  điện thoại. Dù rằng Nomophobia có thể xuất hiện ở cả người lớn và trẻ nhỏ, những người lớn có những mối quan tâm khác cũng như các sự lựa chọn khác như đọc sách báo, cho nên sự bộc phát thành hành động cực đoan như cáu bẳng ở bé sẽ dễ xảy ra hơn.

Hệ quả thoát ly thực tế cuộc sống: các sản phẩm công nghệ như máy tính, điện thoại với kết nối internet thu hút sự chú ý của bé với việc đưa bé vào không gian mạng tách biệt tương đối với cuộc sống thực. Điều này lý giải vì sao nhiều bé mắc rối loạn suy giảm tập trung, rối loạn lo âu, tự kỷ hay đắm chìm trong không gian mạng. Một khi được thỏa mãn với tính ẩn danh và tự do của không gian mạng, bé có xu hướng ít giao tiếp ở thế giới thực hơn, do vậy khiến các vấn đề tâm lý, nhận thức càng diễn biến phức tạp. Như thế, việc bé lạm dụng việc sử dụng các sản phẩm công nghệ có thể vừa là triệu chứng cảnh báo sớm, hoặc là yếu tố tăng nặng các tình trạng bệnh nguy hiểm khác về tâm lý, nhận thức. 

KHUYẾN CÁO TRONG VIỆC KIỂM SOÁT BÉ TIẾP XÚC SẢN PHẨM CÔNG NGHỆ: Năm 2019, Tổ chức Y Tế Thế Giới đã đưa ra khuyến cáo chính thức rằng trẻ em dưới 5 tuổi chỉ nên tiếp xúc với màn hình ( điện thoại, máy tính,...) không quá 1 giờ mỗi ngày [3]. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cũng khuyến cáo rằng trẻ dưới 18 tháng tuổi nên hạn chế các hoạt động phải nhìn vào màn hình, ngoại trừ các cuộc gọi video [4].

Kết luận chung

Với bài viết này chúng tôi tuyệt nhiên không phủ nhận vai trò của các sản phẩm công nghệ trong cuộc sống, học tập và trưởng thành của bé. Tuy nhiên, chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc tạo điều kiện để bé phát triển tự nhiên với sự tương tác trực tiếp với gia đình và xã hội. 

Việc tiếp xúc của bé với các sản phẩm công nghệ nhất thiết phải cân bằng và có sự kiểm soát chặt chẽ của ba mẹ nhằm đảm bảo bé không bị tổn thương, phụ thuộc hay tệ hơn nữa là nghiện các sản phẩm công nghệ và các nội dung đi kèm. Đặc biệt, ba mẹ nên nhắc nhở bé không sử dụng trong lúc đang sinh hoạt gia đình (ví dụ như giờ cơm, tâm sự) hay sinh hoạt cá nhân (ví dụ như khi lên giường ngủ, đánh răng hay đi vệ sinh) trừ khi sản phẩm công nghệ trên là bắt buộc cho hoạt động mình đang làm. Bé đôi khi sử dụng thời gian với các sản phẩm công nghệ để lảng tránh cuộc sống thường nhật, đây rõ ràng là suy nghĩ lệch lạc. Ba mẹ nên nhắc nhở con sử dụng công nghệ đúng với vai trò của một công cụ hỗ trợ khám phá thế giới. Với tâm niệm như thế, các lợi ích sẽ được phát huy và  các nguy cơ sẽ được tự thân bé hạn chế trong việc bé sử dụng các sản phẩm công nghệ.

Chúng tôi hiểu rằng đôi khi việc cho con sử dụng các sản phẩm công nghệ như ti vi, điện thoại là giải pháp duy nhất để ba mẹ có thời gian để làm việc; ba mẹ đồng thời cũng không muốn con bị sốc khi cấm đoán quá mạnh tay. Hãy liên lạc với Smiley để cùng tìm ra những giải pháp thay thế tốt cho cả ba mẹ và cho bé.

VI - TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Pardhan, Shahina, and Robin Driscoll. “Risks of Digital Screen Time and Recommendations for Mitigating Adverse Outcomes in Children and Adolescents.” Journal of School Health, vol. 92, no. 8, 2022, pp. 765-773. Risks of Digital Screen Time and Recommendations for Mitigating Adverse Outcomes in Children and Adolescents | onlinelibrary.wiley.com, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/jpc.13462?casa_token=iQ69Bezm0qkAAAAA:Xw-zAU_iF47kjJRCwGymEVTDOjzOpIjzMgrYga-M1OOALVyVoxkzct5oXBjioTtfNx9tXKDCDcxQsg. Accessed 30 05 2023.

[2] Christensen, Jill. “Children and too much screen time.” Mayo Clinic Health System, 28 May 2021, https://www.mayoclinichealthsystem.org/hometown-health/speaking-of-health/children-and-screen-time. Accessed 30 May 2023.

[3] Anthony, Donna. “The Balance of Technology In Montessori Classrooms.” Primary Montessori, Primary Montessori Day School, 20 August 2018, https://primarymontessori.com/how-montessori-classrooms-balance-the-use-of-technology-to-benefit-your-child/. Accessed 31 May 2023.

[4] Ison, Chris. “World Health Organization Releases New Screen Time Guidance for Babies.” Business Insider, 24 April 2019, https://www.businessinsider.com/world-health-organization-releases-new-screen-time-guidance-for-babies-2019-4?r=US&IR=T. Accessed 30 May 2023.

[5] Moon, Jin-Hwa. “Health effects of electromagnetic fields on children.” Clinical and experimental pediatrics, vol. 63, no. 11, 2020, p. 422. Health effects of electromagnetic fields on children - PMC, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7642138/. Accessed 31 05 2023.

← Bài trước Bài sau →