Tìm Hiểu Về Năng Lực Học Của Trẻ Nhỏ & Cách Khơi Gợi Chúng

Tìm Hiểu Về Năng Lực Học Của Trẻ Nhỏ & Cách Khơi Gợi Chúng

Ông bà ta có câu: “ Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý” nghĩa là, hòn ngọc thô kia nếu chẳng được mài giũa thì cũng chẳng thành món đồ trân quý được, con người ta không học qua thầy  bạn và thử thách của đường đời thì chẳng thể sống  đạo lý và toàn thiện được. Nói trên góc nhìn khoa học thì học là 1 trong 6 tiến trình nhận thức cốt lõi của con người. Thực tế, rất khó có thể kể tên ra bất cứ phương diện nào mà người ta không cần phải học.

Tuổi ấu thơ thường được gọi là tuổi “học ăn, học nói, học gói, học mở”; điều này càng cho thấy nâng cao năng lực học tập là vô cùng thiết yếu để bất cứ bé nào đạt được sự phát triển toàn diện. Khác với các bé từ tuổi thiếu niên trở đi vốn đã cps  có một kỹ năng tự học nhất định, các bé tầm 0-6 tuổi chủ yếu học thụ động [1] nhưng lại có vai trò quyết định sự hình thành năng lực tự học của bé cả phần đời còn lại. Do vậy, việc ba mẹ đầu tư xây dựng và phát triển năng lực học của bé là một đầu tư thiết yếu và có lợi ích hàng thập kỷ liên tục cho con

Sai lầm của lối tư duy cào bằng và phó mặc cho trường

Đã nhiều thế kỷ nay có một nghịch lý giáo dục con của hầu hết tất cả các cặp ba mẹ đó là họ luôn muốn con mình xuất chúng, song lại chấp nhận một môi trường giáo dục phổ thông vốn bản chất là có xu hướng cào bằng, không chú trọng giá trị hay sự tài năng riêng  của từng bé. Biểu hiện rõ nét của lối suy nghĩ ấu trĩ này là phương pháp dạy và học ít hoặc hoàn toàn không được cá nhân hoá để phù hợp với khả năng thể chất cà năng lực nhận thức của từng bé. Thay vào đó, một lớp học lớn (có khi đến 30-40 bé) trải nghiệm chương trình và hoạt động giống hệt nhau. Điều này trước mắt tạo gánh nặng rất lớn lên giáo viên, những người mà khoa học đã chứng minh là chỉ có thể tập trung cùng lúc đến tối đa 4 đối tượng (do giới hạn sinh học của bộ nhớ)

Bản chất của sự học

Não bộ con người có hàng tỷ tế bào thần kinh, chúng liên kết trùng trùng điệp điệp với nhau với  hàng nghìn tỷ khớp thần kinh (synapse). Chúng lưu trữ các ký ức của con người [2]. Theo quan niệm cũ thì các tế bào thần kinh này không sinh sôi khi bé đến tuổi trưởng thành. Trong quá trình sống, các khớp thần sinh  sẽ được tạo mới, điều chỉnh hay tăng giảm độ mạnh liên kết thần kinh ở các khớp thần kinh chứ không gây ra những biến đổi lớn, ngoại trừ khi não bị tổn thương. Đây là bản chất của sự học theo cách hiểu cũ. 

Các nghiên cứu gần đây lại chỉ ra  rằng một số tế bào thần kinh mới vẫn được sinh ra trong một quá trình có tên gọi là neurogenesis cho đến độ tuổi trưởng thành. Tuy nhiên,  tốc độ sinh tế bào thần kinh giảm đáng kể khi bé đã đến tuổi trưởng thành và tuột dốc ở người lớn [3]. Thực tế thì một số điều được ta học nhanh và nhớ dai hơn những điều khác bởi vì não có một số vùng chuyên dụng để nhớ và xử lý một số đối tượng chuyên biệt, chẳng hạn như Fusiform Face Area(FFA) cho việc xử lý khuôn mặt hay Parahippocampal Place Area (PPA) cho việc xử lý các cảnh và địa điểm. 

Ngoài ra các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra việc hình thành các khớp thần kinh và các liên kết thần kinh là hết sức mềm dẻo thông qua một quá trình có tên gọi là Khả biến thần kinh (Neuroplasticity).

Các hiểu biết trên cho phép ta kết luận sơ bộ rằng “học” là một tiến trình nhận thức phức tạp có sự kết hợp của việc sinh mới tế bào thần kinh, sự hình thành, điều chỉnh động của các liên kết thần kinh. Đây cũng là một trong các lý do vì sao việc bổ sung chất dinh dưỡng và rèn luyện não là bổ ích cho cả trẻ nhỏ, người lớn và cả người cao tuổi. Thật vậy, ở bất cứ giai đoạn nào trong đời, bộ não cũng sẽ cần nguyên liệu để phát triển và tự điều chỉnh.

Đặc biệt một số khớp thần kinh được hằng sâu hơn trong não của bé đồng nghĩa với việc bé nhớ sâu và phản ứng nhanh hơn ví dụ như tên của mình, giọng nói của ba mẹ cùng các kỷ niệm yêu thương cùng nhau.

Hãy thử tưởng tượng nếu các kiến thức khoa học, văn hoá, xã hội cũng được khắc ghi trong não bé tương tự như cách bé học về tên mình hay ký ức về ba mẹ thì con sẽ trở nên  tài và xuất chúng đến mức nào

Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu các cách để khiến điều đó xảy ra

Như chúng tôi vừa trình bày, việc học cơ bản là quá trình hình thành, duy trì và phát triển các khớp thần kinh. Đến khi chính các khớp thần kinh này cũng liên kết cùng nhau theo những khuôn hoạt động nơron phức  tạp (pattern) thì bé biết được các khái niệm hay hoạt động phức tạp (ví dụ như các khái niệm trừu tượng hay cách chơi một nhạc cụ). Đây cũng là lúc sự sáng tạo và tư duy xuất chúng được sinh ra.

Phương pháp nâng cao năng lực học

Khuyến khích bé học

Vì việc học bản chất là việc hình thành các khuôn hoạt động nơ ron; các liên kết trong khuôn này hiển nhiên có thể được khắc sâu nhờ vào các hoạt động cơ bản như sau:

  • Ôn luyện. Việc khuyến khích bé dành đủ thời gian để  ôn luyện sẽ khiến các khớp thần kinh thường xuyên được kích hoạt, từ đó tạo ra các khuôn  cần thiết để lưu giữ kiến thức mới; một khi các khuôn cơ bản đã được hình thành, các khuôn mẫu phức tạp và khó khăn hơn sau này cũng trở nên dễ dàng hơn cho bé.
  • Thưởng cho bé.Khi biết được mình sẽ nhận được một phần thưởng mà mình yêu thích nếu hoàn thành việc học, cơ chế nội tiết tự sinh ra một số nội tiết tố (như dopamine) thúc giục bé học tốt hơn và thậm chí là khoẻ mạnh hơn, suy nghĩ sáng suốt hơn để tăng hiệu quả học tập và xử lý công việc nói chung tại thời điểm đó.
  • Khuyến khích tư duy mở. Đôi khi việc bé chậm tiếp thu cái mới không xuất phát từ hàm lượng hay độ khó của kiến thức mà là từ sự khước từ của bé với cái mới và sự cứng nhắc duy trì các thói quen, nếp sinh hoạt nếp nghĩ cũ mà bé cho là an toàn và bé cho là hiệu quả với một số minh chứng thành công nhất định trong quá khứ. Hiển nhiên nếu một cốc nước đã đầy thì việc rót thêm nước là vô ích; tương tự nếu tư duy đã đóng thì bé khó mà học thêm được. Do vậy, bé nên được dạy rằng “Nếu cuộc sống có một điều gì đó không bao giờ thay đổi thì đó chính là việc mọi thứ luôn không ngừng thay đổi”, và rằng “ chính sự thay đổi là cơ sở cho mọi sự tiến bộ”.

Đa ngôn ngữ

  • Khuyến khích học nhiều ngôn ngữ: con người tiếp thu kiến thức và tư duy thông qua các khái nhiệm dựa trên một ngôn ngữ. Mỗi ngôn ngữ lại có những thế mạnh riêng. Ví dụ, tiếng Anh Pháp có tính chặt chẽ về ngữ nghĩa, Tiếng Hàn có tính trực quan về phát âm biểu hiện; tiếng Trung, Nhật có tính hình tượng cao. Do vậy, việc thông thạo nhiều  ngôn ngữ ngoài việc đa dạng hóa nguồn cung cấp thông tin cho bé, logic ngôn ngữ và cách viết cũng nâng cao một số kỹ năng nhất định (phi ngôn ngữ) cho bé, chẳng hạn như khả năng âm thanh hoá, hình tượng hoá, trừu tượng hoá, tạo lập trật tự giữa những đối tượng hỗn độn. Trên thực tế, trẻ nhỏ có thể học tối đang 3 ngôn ngữ cùng lúc, trong đó có thể chuyển đổi qua lại hiệu quả giữa 2 ngôn ngữ mà mình thông thạo[4].

 Hình 1. Bé có thể tự nhiên học cùng lúc nhiều ngôn ngữ.(Nguồn: báo Doanh Nhân Sài Gòn)

Khả năng tự học

Tự học là một chuỗi các hoạt động nhận thức bắt đầu từ việc tinh tế phát hiện ra vấn đề cần giải quyết, tìm kiếm các hướng giải quyết sẵn có rồi đánh giá hiệu quả các phương phương pháp này với các tiêu chí khách quan. Nếu các phương pháp này không giải quyết hiệu quả hay chỉ giải quyết được một phần thì ba mẹ có thể hỏi bé câu thần chú “Nếu là con thì con sẽ giải quyết như thế nào?”. Sau đi bé nêu ra hướng giải quyết của mình thì ba mẹ có thể hỏi xa hơn: “Để làm được như thế mình cần những nguyên vật liệu và hiểu biết nào?”. Sau đó ba mẹ nên cùng bé chuẩn bị các nguyên vật liệu vì có thể cần phải mua sắm và khuyến khích bé tự học những hiểu biết cần thiết để rồi hiện thực hóa ý tưởng của mình. Chìa khoá ở đây là [5]:

  • Tập thói quen tự giác. Ba mẹ nên  tập cho bé tự bắt đầu giờ học mà không cần ba mẹ nhắc nhở với giờ giấc cố định hàng ngày. Đồng thời, việc liên tục đặt câu hỏi và tự giác phát hiện ra cái hay cái mới trong mọi việc ở ngay chính cuộc sống sẽ cho bé nguồn động lực bất tận cho việc học và sáng tạo;
  • Đồng hành chứ không làm hộ. Ba mẹ cần kiên nhẫn lắng nghe những thắc mắc dù là ngớ ngẩn nhất của bé. Nên nhớ là có thể ba mẹ sẽ không có lời giải cho tất cả những câu hỏi của con và ba mẹ không cần phải che giấu điều đó. Ngoài việc lắng nghe, ba mẹ nên hướng dẫn và tạo điều kiện cho bé tiếp cận kiến thức ở sách báo, internet và những người có kinh nghiệm, kiến thức liên quan đến những gì bé cần. Bé có thể sẽ cần mua sắm một số sách vở, thiết bị, nguyên vật liệu để thử nghiệm. Ba mẹ nên đồng hành trong khả năng của mình; nhưng tuyệt đối không làm hộ cho bé dù với mình, điều đó có thể là hết sức dễ dàng.
  • Tự vấn với các câu hỏi 5W1H. Trong bất cứ vấn đề gì việc đặt ra 6 câu hỏi ( What- Điều gì?, When- khi  nào?, Where - ở đâu?, Who - Ai? Why - tại sao?, How- như thế nào?) luôn là cách hữu hiệu để ba mẹ bắt đầu cuộc trò chuyện với bé đồng thời khuyến khích bé nắm vững điều mình đang làm và tự học thêm nếu chưa đủ hiểu biết.

Hình 2. Khuyến khích bé tự học từ nhiều nguồn lành mạnh và tự vấn các kiến thức mình tiếp thu. (Nguồn: Prudential Việt Nam)

Một số lưu ý khi kích thích bé học

Cơ thể con người không hoạt động máy móc theo kiểu đầu vào nhiều thì kết quả sẽ nhiều và đồng bộ, do vậy ba mẹ cần lưu ý các điểm sau khi cố gắng tăng tốc khả năng học của bé

  • Không nhồi nhét kiến thức, kỹ năng: dù não là bộ máy thần kỳ với các cơ chế hiệu quả như neurogenesis, khả biến thần kinh, tại một thời điểm não luôn có các giới hạn sinh học thần kinh và tâm lý nhất định. Khi các giới hạn đã bị vượt qua và não bị chuyển sang trại thái bão hoà thì việc nhồi nhét là vô ích và thậm chí là phi nhân tính. Không một ba mẹ nào muốn đẩy con đến trạng thái bão hoà hoặc phải hy sinh một số hiểu biết mà bé  đã ưa thích và cực nhọc mới đạt được mà nhường chỗ cho các kiến thức mới phải học do ép buộc
  • Tránh so sánh bé với bạn bè, gia đình và cả với bản thân của ba mẹ khi còn trẻ. Mỗi cá nhân lớn lên với vốn sức khỏe, khả năng trí tuệ và môi trường tiếp xúc khác, thậm chí là đối lập nhau. Do vậy, việc so sánh bé và con của một ba mẹ khác là vô cùng khập khiễng và không công bằng ngay cả khi đối tượng so sánh đó là chính anh chị em sinh đôi của bé. Đôi khi việc đưa ra một gương sáng nào đó có thể mang đến cho bé một số ý tưởng hữu ích. Tuy nhiên, việc kể các gương này nên hết sức tế nhị và cụ thể đến mức các bài học nhằm tránh trường hợp bé nghĩ mình bị chê bai cá nhân hay thua sút người khác; 
  • Học ở nhà trường và học trên máy tính chỉ là một trong số rất nhiều nguồn kiến thức. Trên thực tế, bé có thể học được rất nhiều từ thực tế từ những người xung quanh hay chính từ môi trường sống và đặc biệt là từ chính ba mẹ mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] MHeirweg, Sofie, et al. "Profiling upper primary school students' self-regulated learning through self-report questionnaires and think-aloud protocol analysis." Learning and Individual Differences 70 (2019): 155-168.

[2] Abbott, Alison. "Solving the brain." Nature 499.7458 (2013): 272.

[3] Jabès, Adeline, et al. "Quantitative analysis of postnatal neurogenesis and neuron number in the macaque monkey dentate gyrus." European Journal of Neuroscience 31.2 (2010): 273-285.

[4] Koubova, Hana. “How Many Languages Can a Child Learn Simultaneously.” Linguist Today, 28 September 2022, https://linguisttoday.com/how-many-languages-can-a-child-learn-simultaneously/. Accessed 27 May 2023.

[5] Vietnam, Prudential. “Các hoạt động giúp con nâng cao kỹ năng tự học.” Prudential, 6 4 2021, https://www.prudential.com.vn/vi/blog-nhip-song-khoe/cac-hoat-dong-giup-con-nang-cao-ky-nang-tu-hoc/. Accessed 28 May 2023.

 

← Bài trước Bài sau →